Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesMusicĐăng kýĐăng NhậpGallery

 

Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng.

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giả
Bình chọn cho bài viết:
Admin
No Limit No Distance
No Limit No Distance
Admin

Nam
Age : 48 Registration date : 07/11/2008 Tổng số bài gửi : 403 Đến từ : Đà nẵng

Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng.   Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. New-ne102/12/2008, 6:41 pm

Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. Do%20Viet%20Khoa_21208.jpg


Dân trí) - Chiều 1/12, Đoàn Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội đã xuống trường THPT Vân Tảo công bố quyết định thanh tra. Theo đó, những nội dung tố cáo của thầy Đỗ Việt Khoa chỉ đúng một nửa.

Theo ông Lê Thiết Hùng, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội, một số điểm mà thầy Khoa tố cáo sai, không có cơ sở: Chỉ đạo ép buộc 100% học sinh lớp 12 học thêm ôn thi tốt nghiệp và thu 300.000 đồng/học sinh (học 6 buổi). Ép học sinh học thêm văn hóa, giáo viên chủ nhiệm bắt buộc toàn bộ học sinh của lớp 12A, 10A phải đi học thêm; trường thu các khoản tiền trái quy định hàng trăm triệu đồng, trong đó có thu phí của học sinh, thu tiền học sinh thi lại 50 nghìn đồng/học sinh/môn; nhà trường kỷ luật học sinh hà khắc và thiếu tính sư phạm…

Còn điểm sai đối với ông Hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo: Hiệu trưởng không xúi giục người đánh giáo viên Đỗ Việt Khoa; Về môn tin học thì trường Vân Tảo khi tổ chức cho học sinh lớp 12 học và cho điểm tổng kết vào sổ khi chưa đủ điều kiện vật chất, giáo viên; Thu tiền học thêm cao hơn quy định; các khoản quỹ như hội cha mẹ học sinh; quỹ tài năng; quỹ ủng hộ cơ sở vật chất trường…

Việc thầy Khoa tố cáo bị “đe dọa khủng bố, trù dập cá nhân”, thanh tra Sở cũng kết luận tố cáo sai và “trách nhiệm thuộc về người tố cáo”.

Theo quy định, với những nội dung tố cáo sai sự thật, GV Đỗ Việt Khoa - người đứng đơn tố cáo - phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra còn một số nội dung tố cáo mà Đoàn thanh tra xác định chưa đủ căn cứ để kết luận như việc GV Đỗ Việt Khoa tố cáo hiệu trưởng lộng ngôn, bôi nhọ, nhục mạ cán bộ lãnh đạo...

Thanh tra kết luận: Đối với hiệu trưởng, kiểm điểm sai phạm đã được nêu trong kết luận Thanh tra. Nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc phối hợp với PHHS thu tiền. Việc dạy thêm học thêm phải đúng quy định. Đối với cơ quan tài chính: Đề xuất giải pháp xử lý sai phạm như đơn nêu đối với các cá nhân trường Vân Tảo.

Trưởng đoàn thanh tra phải theo dõi đôn đốc thực hiện các biện pháp đã nêu đến 31/12/2008 phải báo cáo lên thanh tra sở.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Sau kết luận thanh tra, Sở giao cho Phòng Tổ chức cán bộ cùng Phòng Thanh tra để giải quyết những việc tiếp theo. Lúc đó lãnh đạo Sở sẽ họp và cho ý kiến dựa trên những văn bản pháp luật. Ai sai đến đâu người đó phải chịu trách nhiệm đến đó, đúng người, đúng tội.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa: Ngay hôm nay, tôi gửi đơn
kiện lên cấp trên

Sau khi nghe bản kết luận của Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội. Trao đổi với Dân trí, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết: Ngay hôm nay tôi sẽ viết đơn kiện lên cấp trên về kết luận của Thanh tra.

Vậy kết luận của Thanh tra lần này như thế nào mà ông không đồng ý?

Kết luận này thực chất là kết luận theo đơn cũ tôi đã gửi ngày 18/12/2007, tức là những 11 tháng. Trước đó, không hề có 1 cuộc dự thảo hay thanh xét gì kể từ ngày 24/2/2008. ngày 15/7/2008, thanh tra Sở đã triệu tập tôi lên Sở, đọc cho nghe kết luận thanh tra, nói là chính thức. Nhất định họ không cho tôi cái kết luận bằng văn bản.

Lạ thay, sau những ngày vừa qua, tôi gửi đơn lên, thì thanh tra đã đối phó bằng cách để đến hôm nay mới kết luận lại 1 lần nữa cái đơn cũ kia, mà không hề xem xét 1 tí nào các nội dung mới.

Ngày 15/7/2008, họ kết luận tôi tố cáo 1 điểm đúng, 9 điểm sai. Còn hôm nay: 50-50 và vẫn không cho tôi xin kết luận thanh tra bằng văn bản dù tôi xin 3-4 lần

Thanh tra đã kết luận ông đúng ở điểm nào và sai ở điểm nào?

Thanh tra kết luận tôi tố cáo đúng là việc dạy thêm học thêm trái phép và thu cao so với quy định. Tổ chức ôn và thi cho học sinh lớp 9 lên 10 tháng 8/2007 thu 45.000đ lệ phí ôn và 15.000đ lệ phí thi là có thật.

Cái sai là: Hội cha mẹ học sinh thu nhiều khoản tiền rồi nộp vào két của trường; Bí thư đoàn thu quỹ hoạt động thanh niên 60 ngàn/học sinh là sai. Trách nhiệm thuộc bí thư đoàn và hiệu trưởng; bắt giáo viên cho học sinh có bài kiểm tra học kỳ 1 dưới 5 được làm lại bài kiểm tra học kì là sai phạm của hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm; Hiệu trưởng nghỉ gãy chân mà không chuyển bảo hiểm là sai…

Đây chỉ là những việc cỏn con, trong khi họ bao che những cái lớn rất quan trọng.

Thứ nhất: năm học 2007-2007, nhà trường ép buộc 100% hs lớp 12 học thêm môn tin học, 2 tuần học 1 buổi vào sáng chủ nhật, thu 200 ngàn… cái này thanh tra lờ hẳn, không hề đề cập tới nửa chữ trong kết luận.

Thứ hai: Họ kết luận tôi tố cáo sai tiếp như: Việc giáo viên ép buộc học sinh học thêm văn hoá: thanh tra đi hỏi 2 giáo viên bị tôi nêu tên trong đơn mà không hỏi các học sinh lớp đó. Giáo viên họ nói không ép; Nhà trường có lớp chọn, Thanh tra bảo không có. Trong khi đó, hỏi bất cứ học sinh nào cũng chỉ ra đâu là lớp chọn.

82 học sinh bị hạnh kiểm yếu bị phạt lao động 8 buổi và thu 100 ngàn/hs. Bí thư Đoàn thu. Thanh tra giao cho bí thư đoàn Nguyễn Hồng Long đi gọi 5 học sinh lên làm chứng, thầy Long đe doạ cấm 5 học sinh này nói. Thế là thanh tra bảo tôi tố cáo sai…

Vậy vụ đe doạ, ném máy ảnh với ông vừa qua... có được đề cập trong kết luận không?

Không hề đề cập tới.

Thanh tra xuống làm việc với ông mấy lần?

Kể từ ngày tố cáo, thanh tra làm việc với tôi có 2 lần, trước 24/2/2008, từ sau đó, không có lần nào. Vậy mà hôm nay thay đổi kết luận.

Tâm trạng của ông bây giờ thế nào?

Tôi thất vọng về cách làm việc của thanh tra Sở.

Và kết luận cũng cũ?

Đúng vậy. Ngay hôm nay, tôi sẽ tiếp tục gửi đơn lên cấp trên xử lý các nội dung chưa kết luận và những nội dung mới phát sinh năm nay.

Vậy những điểm sai của ông thì ông nghĩ thế nào?

Đấy là những điểm quan trọng nhất thì họ lại lờ đi hoặc bao che và không kết luận. Họ vẫn cố tình bao che sai phạm và tăng mục kết luận đúng.

Cảm ơn ông!
Về Đầu Trang Go down
http://ducvtt.tk
Admin
No Limit No Distance
No Limit No Distance
Admin

Nam
Age : 48 Registration date : 07/11/2008 Tổng số bài gửi : 403 Đến từ : Đà nẵng

Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng.   Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. New-ne1030/11/2008, 12:53 am

Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. Images1015651_ongkhoa1


Năm 2006, lần đầu tiên trong ngành giáo dục, một giám thị dũng cảm đứng lên tố cáo những tiêu cực liên quan đến gian lận thi cử tại Hà Tây (cũ). Không lâu sau, tại Nghệ An, một thầy giáo khác cũng đưa ra những thước phim về cảnh loạn trường thi tại địa phương này.

Cũng nhờ hành động dũng cảm của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, ngay trong năm 2006, Bộ GD&ĐT phát động phong trào "Hai không": Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử. Không lâu sau, thầy Khoa được làm khách mời của chương trình "Người đương thời" trên VTV3 Đài Truyền hình VN.

Kể từ thời gian đó, dù liên tục bị đe dọa, trù úm nhưng thầy Đỗ Việt Khoa vẫn tiếp tục theo đuổi việc chống tiêu cực trong học đường tại địa phương.

Thầy Đỗ Việt Khoa bị cướp máy ảnh, dọa 'làm thịt'

Không chỉ xông vào nhà chửi bới, hành hung và đe dọa "làm thịt" thầy giáo Đỗ Việt Khoa, bảo vệ THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội) còn cướp bộ máy ảnh trị giá 19 triệu đồng rồi ném xuống mương nước.
Máy ảnh trị giá 19 triệu đồng đã bị hư hỏng hoàn toàn do bị ngâm nước mương.

Vụ việc xảy ra lúc 22h ngày 14/11 tại nhà "Người đương thời" Đỗ Việt Khoa, người trong thời gian gần đây liên tục báo cáo với lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Tây (cũ) cũng như Bộ GD&ĐT về tiêu cực tại THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội.

Ngày 15/11, sau một đêm thức trắng vì lo sợ và bức xúc, thầy giáo Khoa cho phóng viên biết, gần 22h ngày 14/11, khi thầy đang xem TV thì bảo vệ Trần Văn Xường (50 tuổi) xông vào nhà chửi bới trước sự chứng kiến của nhiều người đang sử dụng Internet tại đây. Một lát sau, bảo vệ Nguyễn Văn Đông cũng có mặt để "tiếp sức" cho đồng nghiệp.

"Anh Đông xông vào nhà chửi bới, túm ngực tôi và dọa 'sẽ làm thịt' nếu tôi còn tiếp tục dính vào chuyện anh này cùng một số người khác xây phòng học cấp 4 sát trường để tổ chức dạy thêm", người từng tố cáo việc gian lận thi cử tại Hà Tây (cũ) năm 2006 phản ánh.

Còn chị Nga, vợ thầy Khoa rơm rớm nước mắt: "Khi họ vào nhà đánh anh ấy, tôi phải chắp tay trước ngực van xin mãi họ mới chịu buông tha. Nhưng khi thấy tôi đang cầm máy ảnh để lấy ảnh ra, anh Xường liền xông vào cướp chiếc máy rồi bỏ chạy".

Theo lời thầy Khoa, bộ máy ảnh Nikon D70S cùng chiếc ống kính góc rộng này được mua đầu năm 2007 với giá 19 triệu đồng để chụp ảnh thuê.

Ngay trong đêm, công an xã Vân Tảo và công an huyện Thường Tín đã có mặt lập biên bản, lấy lời khai nạn nhân cũng như người làm chứng.

Chiều 15/11, Phó công an xã Vân Tảo cho biết, trưa cùng ngày, công an huyện Thường Tín đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Văn Xường vì tội cướp giật tài sản. Còn chiếc máy ảnh bị cướp hỏng hoàn toàn do bị ném xuống mương nước cạnh trường.

Công an huyện Thường Tín đang điều tra, làm rõ động cơ vụ việc.
Về Đầu Trang Go down
http://ducvtt.tk
Admin
No Limit No Distance
No Limit No Distance
Admin

Nam
Age : 48 Registration date : 07/11/2008 Tổng số bài gửi : 403 Đến từ : Đà nẵng

Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng.   Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. New-ne1030/11/2008, 12:53 am

Chuyện bắt đầu: Thầy Khoa "Đông ki sốt"

Chuyện bùng nổ vào ngày 20/6. Chị Ngà, vợ thầy giáo Đỗ Việt Khoa, đang bận bịu trong bếp thì cô con gái lên mười nước mắt ngắn, nước mắt dài chạy vụt vào, hét toáng lên: "Mẹ ơi, bố vừa gọi điện cho cô nhà báo để nói tên rồi. Bố ta suốt ngày, lúc nào cũng hay đi thắc mắc".

Đó là cuộc điện thoại đầu tiên khi anh Đỗ Việt Khoa chính thức công khai danh tính trước công luận sau rất nhiều những chờ đợi vì đơn thư khiếu nại, băng ghi âm anh đã "vượt cấp" gửi thẳng ra Bộ mà không nhận được phản hồi.

Chiếc điện thoại bàn sôi lên. Vì hoảng hốt, chị Ngà gọi điện cho tất cả những người thân trong gia đình báo chuyện. Và theo lời khuyên, chị đã gửi cô con gái đầu vừa nghỉ hè sang ở bên ngoại để "nhỡ ra, lại có chuyện xấu gì".

Khi những đoạn băng ghi âm mà anh "bắt" chị phải thức thâu đêm kiểm tra cùng được phát lần đầu trong chương trình thời sự VTV1 thì cả thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo bắt đầu sùng sục lên. Ở nhà, ra chợ, đi đâu cũng chỉ mỗi chuỵên "thầy Khoa tố cáo tiêu cực".

Đánh nhau với "cối xay gió" !?

Những người hàng xóm lo lắng chia sẻ: "Lão Khoa nhà mày dở hơi lắm nhé. Chuyện thiên hạ lâu nay người ta biết cả. Làm không được gì lại gây thù chuốc oán". Thậm chí, những phụ huynh của Vân Tảo vừa có con thi đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, thấp thỏm chờ một cuộc "thanh tra" của Bộ, đã đến nhà chỉ mặt thầy Khoa không ngần ngại: "Người ta cho thầy bao nhiêu tiền mà thầy gửi đơn lên Bộ. Nếu con chúng tôi thi trượt thì thầy cũng không sướng gì đâu".

Ngay cả học trò thầy Khoa cũng không giấu được âu lo. Cô bé Tươi, học sinh lớp 12A do thầy Khoa chủ nhiệm nói với chúng tôi bằng nét mặt đăm chiêu: "Em thấy lo cho thầy vì việc tố cáo tiêu cực đã làm ảnh hưởng đến nhiều người". Tươi cũng sợ chính các bạn của mình sẽ quá khích nếu bị chuyển từ đỗ thành trượt.

Một cậu học trò cũ, giờ đã đi làm công nhân thì không giấu được vẻ thán phục: "Em ngưỡng mộ thầy Khoa với tư cách một người đàn ông dũng cảm. Hồi đi học, em rất ghét thầy vì môn thầy dạy không bao giờ được nâng điểm. Ra trường nhìn lại, hoá ra người mình nhớ và quý nhất, người có nhiều bài học khuyên răn mình nhất lại chính là thầy Khoa".

Quán Net nhỏ ven đường của người thầy chống tiêu cực, ngày nào cũng nườm nượp xe ghé vào, cả biển số quen lẫn lạ. Không ngày nào những đồng nghiệp ở Vân Tảo và cả đồng nghiệp cũ lại không tạt qua.

Có khi, chỉ để vỗ vai trìu mến: "Làm được đấy, làm đến cùng nhé", nhưng cũng có không ít bi quan: "toàn những trò hề vớ vẩn. Đánh nhau với cối xay gió. Không giải quyết được gì đâu".

Chị H, một đồng nghiệp cùng tổ xã hội với thầy Khoa cứ nhắc đi nhắc lại: "Gốc vấn đề không phải chỉ ở chuyện Khoa tố cáo. Nhưng tôi rất phục, rất phục sự dũng cảm của cậu ấy".

Người chồng "kỳ quặc"

Một số HS tìm đến thầy Khoa học thêm môn Toán cho kỳ thi ĐH sắp tới. Ảnh: Phạm Thuỷ

Tuy đã sống chung với người "vác tù và hàng tổng" hơn mười năm trời, nhưng mỗi ngày chị Ngà lại bất ngờ với một kiểu "khác người" của chồng mình.

Nhớ có lần, đang chụp ảnh cho khách (chị làm nghề chụp ảnh) thì chị thấy anh xe máy về nhà, mặt đầy nhọ than, người đen nhẻm. Anh hô hoán xách xô, xách chậu ra chữa cháy. Chưa hiểu đầu cua tai nheo, lại tưởng cháy nhà người thân nào đó, chị hớt hải chạy theo. Thì vỡ lẽ. Đang đi đường, anh Khoa bỗng trông thấy một đám cháy nhỏ dưới ruộng do ai đó tiện tay đốt cây ngô giữa đồng. Không ngờ, quầng lửa bốc cao liếm vào một búi dây điện thoại vắt chồng chéo. Xót của công, anh nhao vào chữa cháy. Không ăn thua, về nhà lấy xô chậu, huy động vợ vào cuộc. Người đi đường, ai nấy thờ ơ lướt qua.

Lại có đêm, hai giờ sáng mà anh Khoa lên thị xã rửa ảnh vẫn chưa về. Đang thức chong chong, chị Ngà nghe tiếng gõ cửa. Mở ra, chỉ thấy trước nhà lù lù hai bao ảnh, còn người thì biến mất tăm. Tá hoả, chị gọi hàng xóm nhờ đi tìm chồng hộ. Thì ai nấy an ủi, chắc lại một hành động kỳ quặc khác của anh Khoa mà thôi.

Mãi đến gần sáng, anh Khoa mới về đến nhà. Mặt mày phờ phạc nhưng hồ hởi; vừa bước vào nhà vừa kể cho vợ nghe chuyện đêm qua. Trên đường từ thị xã về, anh gặp một cụ già người Đà Nẵng về thăm nhà con trai đang định cư ở một xã thuộc huyện Thường Tín. Trời tối, điện thoại không có, tưởng anh Khoa là xe ôm nên cụ níu lại hỏi thăm. Và anh đã chở ông cụ tìm về đến tận nhà người con, từ chối nhận tiền xe ôm. Hai túi ảnh để lại nhà lúc hai giờ sáng là để báo cáo với vợ.

Chuyện anh Khoa hay nói thẳng lại cả tin, chị Ngà đã biết từ ngày chưa nhận lời yêu anh. Khi biết anh đến "tìm hiểu" chị, ai cũng khuyên nhủ, báo trước, rằng lấy người chồng "hay lý sự, hay đấu tranh, hay phát biểu trong các cuộc họp với lãnh đạo" là thiệt thòi và dễ rước hoạ vào thân lắm.

Không ít những lời bàn ra tán vào cũng đã làm chị lăn tăn. Nhưng chỉ một chuyện nhỏ thôi, đã khiến chị cảm động và tin vào chọn lựa của mình.

Hồi đó, anh đi làm xa nhà, rất cần mua xe máy nhưng chưa gom được đủ tiền. Anh đã thật thà dẫn người yêu đến hỏi vay ở nhà một số người bạn cũng chỉ mới đi làm như anh. Lạ một điều, vừa thấy anh trình bày ý định, thì ai nấy, dù chỉ có dăm ba trăm, cũng gom lại ủng hộ anh. Có nữ đồng nghiệp vừa mới sinh con, cũng rút chiếc nhẫn trong tay, bảo anh cầm tạm, đừng ái ngại.

"Thế là tôi ấn tượng ngay. Qua cách đối xử tin cậy của bạn bè anh ấy, tôi hiểu phải là một người tốt với người khác đến mức nào thì mới được bạn bè ủng hộ như vậy", chị Ngà không giấu được niềm tự hào.

Về sống chung một nhà rồi, dĩ nhiên tính cách hào hiệp "vô tiền khoáng hậu" của anh Khoa cũng không ít lần làm cả nhà phải mệt mỏi, thậm chí, chấp nhận nghe những bình phẩm không hay về "ông hay nói". Nhưng với chị Ngà, anh làm gì cũng được, miễn là "để lại đức cho con cháu". "Chỉ có cả họ hàng nhà chị là lo lắng, lúc nào cũng nhắc nhở vì sợ sẽ bị trù dập".

Chuyện anh đang làm, nếu bàn với chị ngay từ đầu, có thể chính chị lại là người khuyên anh nên "dĩ hoà vi quý". Nhưng anh quyết đoán, thậm chí không hỏi cả ý của người cha, vốn cũng là một người không nhắm mắt làm ngơ trước những chuyện bất bình.

Nhưng đến giờ, chị lại là người duy nhất đọc bằng hết tất cả những lá thư mà độc giả khắp nơi nồng nhiệt gửi về đồng tình, ủng hộ anh (mỗi ngày, VietNamNet lại chuyển tới mail của anh hàng ngàn thư bạn đọc khắp nơi). "Họ đều là những người có trình độ, là trí thức. Thấy họ đều có lý lẽ để đứng về phía anh Khoa nên tôi yên tâm biết rằng chồng mình đang đi đúng hướng", chị Ngà tâm sự.

"Có tiêu cực, mách thầy Khoa nhé!"

Các đồng nghiệp ở trường THPT Vân Tảo đã quá quen với anh bạn dạy Địa, hơi nặng tai nhưng luôn hăng hái nhất trong những buổi họp. "Hễ thấy có chuyện gì bất thường là Khoa lên tiếng. Khoa đấu tranh được nhiều quyền lợi cho anh em lắm", chị H, đồng nghiệp cùng tổ tâm sự.

Nhiều chuyện anh đưa ra, được giải quyết ngay và nhiều người ủng hộ. Nhưng cũng có không ít sự việc đưa ra rồi cứ thế để lại mãi. Nhiều người đã quên. Hoặc không quên thì vẫn nguyên tắc "việc mình mình làm. Làm tốt và không va chạm đến quyền lợi của ai". Nhưng riêng anh Khoa vẫn nhớ. Và gom góp lại để chuẩn bị cho một cách chiến đấu mạnh hơn.

"Nhiều lúc, con tôi dũng cảm hơn tôi. Nó cương trực và thẳng tính từ bé", ông thân sinh của anh Khoa bộc bạch. Ông vốn là một chuyên viên Bộ Nông nghiệp, giờ đã nghỉ hưu. Với anh Khoa, con đường bao giờ cũng phải thẳng băng. Anh không thể nhắm mắt với những điều khuất tất.

Thậm chí, lũ học trò trong trường cũng rỉ tai nhau, rằng hễ có chuyện gì bất công, tiêu cực trong trường, lớp là cứ tìm đến thầy Khoa.

Là giáo viên Địa, lại không bao giờ đăng ký đi thi giáo viên giỏi nhưng học trò vẫn tìm đến thầy Khoa để được bồi dưỡng môn Toán, là bởi "thầy có những cách giải Toán rất hay và dạy dễ hiểu".

Hà Tây hãy tự vấn: Làm gì để người ngay hết ngờ vực ?

Trưa tháng sáu. Đường vào thôn Nỏ Bạn nóng rang. Biết chúng tôi có ý định hỏi chuyện về thầy Khoa, chị L, một đồng nghiệp ở trường Vân Tảo lập tức im lặng, "có nhiều người cũng đến và hỏi tôi về chuyện anh Khoa, nhưng tính anh ngay thẳng thế nào, cứ nhìn thế đủ biết. Nói thêm nữa làm gì".

Trưa nắng ngột ngạt. Sau chuỗi im lặng kéo dài, chị cho biết, ngay khi anh Khoa chưa công bố danh tính, cả trường Vân Tảo đã biết người tố cáo tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp ở Phú Xuyên A Hà Tây là ai rồi. Nhiều năm, phòng anh Khoa coi thi bao giờ chẳng nổi tiếng là "ngặt" nhất trong hội đồng. Và không năm nào, anh không lên tiếng cảnh báo về tệ gian lận thi cử. Ai cũng nghĩ, chắc cũng chỉ dừng lại ở đó mà thôi.

Thậm chí, kết thúc buổi thi môn Toán, một số đồng nghiệp phát hiện anh Khoa quay phim, cũng chỉ nghĩ anh "cảnh báo". Có đồng nghiệp còn góp ý: "Khoa bỏ cái trò quay phim chụp ảnh ấy đi nhé". Và tưởng chỉ vậy thôi. Như nhiều năm. Ngờ đâu, anh Khoa gửi đi thật. Không phải vào Sở, như bao lần anh làm, mà vượt cấp lên tận Bộ.

Trong giới, tất cả vẫn đang chờ đợi. Không mấy người tin sẽ có "cách mạng" từ những thước phim và cuộn băng ghi âm ấy. Bởi, giáo dục đã bị thoái hoá từ gốc.

Cô L cười buồn, buông xuôi: "Học sinh cấp một không biết chữ vẫn lên lớp. Học sinh cấp hai thì từ nay không cần phải thi tốt nghiệp. Cấp ba chính là cái túi tồn lại bao thế hệ học trò mất gốc. Làm cách mạng bằng cách hy sinh một vài thế hệ. Thế hệ nào chấp nhận hi sinh đây?"

Dù rất thán phục lòng dũng cảm và thú nhận mình không bao giờ làm được, thậm chí chống lại chuyện thi đua theo chỉ tiêu, chuyện "cấy điểm" nhưng cô giáo H vẫn dè dặt: "chống tham nhũng thì tôi ủng hộ. Tố cáo gian lận trong thi tốt nghiệp thì... Đến mấy bà bán thịt ngoài chợ còn bàn tán là hãy còn thi tốt nghiệp thì còn gian lận".

... Trưa nắng rát. Tiệm Net nhà anh Khoa vãn hẳn. Đây là điểm truy cập duy nhất còn tồn tại được ở Vân Tảo bởi nhà anh có vị trí mặt tiền do gia đình để lại. Và tự tin vào kiến thức mạng đủ để không cần thuê thợ kỹ thuật. Rồi thêm một chiếc máy ảnh để "tranh thủ" những giờ không lên lớp. "Phải vay mượn để có cơ ngơi này. Nhưng tôi tin vào bàn tay làm giàu chân chính. Giáo viên cũng có quyền không được nghèo chứ", anh phân bua.

Những người thân đã từng e ngại, việc tố cáo tiêu cực lần này, có làm rốt ráo hay lại bàng quan, thì "người ta" cũng sẽ có lúc "chộp" được một sơ sểnh nhỏ để đẩy "người hay chống tiêu cực" về vườn.

Nhưng anh Khoa tự tin, với tài "xoay xở" của mình, nều muốn "nhất nghệ tinh" mà không được, thì anh vẫn đủ sống để tiếp tục đấu tranh.


Được sửa bởi Admin ngày 30/11/2008, 1:05 am; sửa lần 2.
Về Đầu Trang Go down
http://ducvtt.tk
Admin
No Limit No Distance
No Limit No Distance
Admin

Nam
Age : 48 Registration date : 07/11/2008 Tổng số bài gửi : 403 Đến từ : Đà nẵng

Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng.   Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. New-ne1030/11/2008, 12:52 am

Thư ngỏ của thầy Đỗ Việt Khoa

"Tôi kêu gọi các em học sinh và các thầy cô giáo: Hãy lên tiếng cùng tôi chấm dứt tiêu cực này. Đừng dối mình, hay im lặng mãi thế...Hàng chục thế hệ sau sẽ không bị làm hỏng nữa. Nền giáo dục sẽ trở về đúng nghĩa của nó. Tính trung thực của thầy trò ta mới không bị đánh cắp nữa" - thầy giáo Đỗ Việt Khoa bày tỏ trong bức thư ngỏ gửi bạn đọc qua VietNamNet sáng ngày 24/6.
Giáo viên Đỗ Việt Khoa: "Các em HS và các thầy cô giáo: Hãy lên tiếng cùng tôi chấm dứt tiêu cực này. Đừng dối mình, hay im lặng mãi thế".Ảnh: Nguyên Nhung

23/6 là một ngày đặc biệt trong chuỗi sự kiện giáo viên Đỗ Việt Khoa tố cáo những gian lận thi cử.

Sáng, thanh tra Sở GD-ĐT Hà Tây gặp ông Khoa để thu thập chứng cứ. Chiều, Thường vụ tỉnh uỷ họp bàn cách giải quyết. Tối, Bộ GD-ĐT cũng có một cuộc họp về sự kiện này.

Đến 2h sáng ngày 24/6, VietNamNet nhận được bức thư của thầy Khoa viết trong đêm 23/6, "xin có vài lời với bạn đọc cả nước".

Trong những ngày trước đó, VietNamNet đã chuyển tới thầy Khoa hàng ngàn email của bạn đọc trong và ngoài nước gửi về.

Dưới đây là nội dung bức thư ngỏ của giáo viên Đỗ Việt Khoa.

Trước hết xin nói, tại sao tôi không nộp đơn và chứng cứ tiêu cực thi ở Phú Xuyên A cho Sở trước mà lại lên thẳng Bộ: Vì tôi nhận lệnh quay phim chụp hình từ lãnh đạo Bộ. Với lệnh ấy, tôi đem chứng cứ nộp cho ai? Nộp cho Bộ chứ còn cho ai nữa....

Trước đó, tôi đã có một vụ việc liên quan đến giải quyết khiếu nại của học sinh, nhưng Hiệu trưởng trường tôi thì bao che quyết liệt, Sở thì không chịu giải quyết ngay vì tin Hiệu trưởng, không về điều tra gặp gỡ học trò. Nhiều việc khác cũng vậy.

Trong mấy ngày sau thi tốt nghiệp, nếu đã đọc những gì ông Hồng trả lời báo chí về việc thi cử trong tỉnh, thì tôi sao dám đặt niềm tin lên Sở?

Về phía Bộ GD-ĐT, khi yêu cầu tôi thu thập tài liệu chứng cứ, thì phải nghiên cứu nó và đưa ra biện pháp xử lý chứ? Tôi cứ việc giấu tên thôi. Sao lại chuyển việc giải quyết cho Sở chỉ với lý do: đã phân cấp, khó xử lý và thiếu người?

Thấy việc xử lý quá chậm chạp, được báo chí động viên, tôi đã công khai danh tính.

Xin hỏi các lãnh đạo, nếu đã từng là thầy giáo thì khi có tin thí sinh sử dụng bài giải bên ngoài đưa vào (có tờ photo bài giải kèm theo) thì người thầy xử lý thế nào? Các vị là lãnh đạo, là người soạn các câu hỏi thi tuyển công chức, có các tình huống ứng xử, sao lại không có cách giải quyết?

Sáng 23/6, tôi đã nộp 2 lá đơn với 2 nội dung. Tôi có trình bày kèm theo bài giải môn Hóa + Toán mà tôi thu thập được cho phó thanh tra Sở.

Cùng lúc, tôi đã copy dữ liệu là file Video+ ghi âm vào máy tính trong phòng thanh tra. Thế mà sau đó, ông Nguyễn Cao Biền trả lời báo "không biết đó là 2 tờ photo gì?"

Khi tôi cài đặt chương trình, mở file hình video quay cảnh 1 người phục vụ của trường Phú Xuyên A đang ném bài giải vào phòng, cả 3 vị thanh tra đều không quan tâm? Lại yêu cầu tôi nộp đĩa CD và bảo file hình+ tiếng tôi vừa ghi vào máy tính không có giá trị pháp lý?

Thế mai kia, tôi có nộp đĩa CD dữ liệu, chắc các vị lại nói: Không mở được file, chứng cứ không thuyết phục? Và không làm gì cả, như Đài Truyền hình Viêt Nam bình luận: vài tháng nữa, vẫn...chưa bắt đầu làm.

...Thế thì bao giờ mới chấm dứt được tệ nạn giả dối trong học hành thi cử ở Hà Tây và trên cả nước? Thầy cô bao giờ mới thôi dối lòng? Cứ để mãi thế này sao? Chúng ta tiếp tục làm hư hỏng bao nhiêu thế hệ học sinh nữa đây?

Ba vị đại diện hội phụ huynh trường THPT Vân Tảo đã đến nhà tôi lúc 16h30 ngày 21/6, yêu cầu tôi: Thầy không được nộp đơn lên Bộ nữa, nếu không, Bộ mà chấm lại thì học sinh trường này và cả trường Thường Tín nữa mỗi trường sẽ phải trượt thêm một vài trăm cháu.

Tôi hỏi lại: Thế các bác cứ tiếp tục để tình trạng "mua" giám thị thế này sao?

Một vị hùng hồn: Phải tiếp tục "mua" chứ! Vì con cháu chúng tôi hổng kiến thức từ cấp 1, cấp 2 rồi. Không thể để cho chúng nó trượt tốt nghiệp được...

Ôi, nghe mà đau lòng quá!

Tôi phải làm thế nào đây hỡi ông Bộ, ông Sở?

Về phía cá nhân tôi, càng chứng kiến sự bao che, chậm chạp của lãnh đạo, tôi càng quyết tâm chống tiêu cực. Cho dù tôi đơn độc.

Tôi kêu gọi các em học sinh và các thầy cô giáo: Hãy lên tiếng cùng tôi chấm dứt tiêu cực này. Đừng dối mình, hay im lặng mãi thế. Năm nay nếu các em trượt nhiều, đừng vội trách thầy. Các em hãy chịu thiệt một chút . Sang năm, các em sẽ được thi lại mà. Các em mất 1-2 năm thôi, quá ngắn ngủi so với cuộc đời một con người. Nhưng 1-2 năm đó rất quý: Hàng chục thế hệ sau sẽ không bị làm hỏng nữa. Nền giáo dục sẽ trở về đúng nghĩa của nó. Tính trung thực của thầy trò ta mới không bị đánh cắp nữa.

Hãy ủng hộ thầy!

Vân Tảo, Hà Tây - 1h30, ngày 24/6/2006


Được sửa bởi Admin ngày 30/11/2008, 12:55 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
http://ducvtt.tk
Admin
No Limit No Distance
No Limit No Distance
Admin

Nam
Age : 48 Registration date : 07/11/2008 Tổng số bài gửi : 403 Đến từ : Đà nẵng

Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng.   Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. New-ne1030/11/2008, 12:51 am

Thầy Đỗ Việt Khoa trải lòng ngày nhà giáo

"Đây là 20/11 buồn nhất sau 15 năm làm thầy của tôi. Đến trường, đồng nghiệp chẳng dám hỏi han, chia sẻ. Chỉ khi về nhà, thấy những bó hoa của học trò cũ, tôi mới thấy an ủi được phần nào", thầy Đỗ Việt Khoa tâm sự với VnExpress.net.
> 'Người đương thời' Đỗ Việt Khoa bị cướp máy ảnh, dọa 'làm thịt'

- Sau 15 năm đi dạy, ông nghĩ gì về ngày nhà giáo?

- Trước năm 2000, tôi dạy học ở THPT Đồng Quan, cách nhà 20 km. Đó là trường vùng sâu của tỉnh nhưng người dân vẫn giữ được nguyên đức tính cần cù, chịu khó, thật thà và hiếu khách.

Học sinh nơi đó nghèo, hiền lành và nhút nhát. Ngày 20/11, nhà trường cũng tổ chức ngày lễ cho giáo viên nhưng đơn giản, tiết kiệm, không có chuyện thu tiền nhiều. Học sinh kéo nhau đi thăm thầy cô như đi hội. Chỉ một bó hoa nhỏ, những lời thăm hỏi động viên, những câu chuyện vui... thế là đủ mang lại niềm vui cho thầy, cho trò.

8 năm trở lại đây, tôi chuyển về THPT Vân Tảo cho gần nhà. Những năm đầu, trường chưa xây, chúng tôi đi dạy nhờ. Chỉ có chục giáo viên nhưng đoàn kết lắm, có hôm giáo viên góp tiền nấu cháo rau thơm, ăn cùng cho vui...

Năm 2003, trường được xây xong, cuộc sống cũng bắt đầu thay đổi. Đồng tiền chen lấn dần vào trường học, luồn lách lẫn vào chữ nghĩa của người thầy. Ngày 20/11, mất dần ý nghĩa vốn có. Quà to dần lên, tiền thu nhiều lên... và sự trong sáng của nghề làm thầy lụi dần đi.
Ảnh: Tiến Dũng.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa: "Tôi chủ quan, cứ tưởng thời nay, cái xấu mình lên án thì sẽ dẹp bỏ được ngay". Ảnh: Tiến Dũng.

- Năm 2006 dư luận xôn xao khi ông lên tiếng tố cáo tiêu cực thi cử tại Hà Tây cũ, cái tên Đỗ Việt Khoa được cả nước biết đến. Cuộc sống của ông và gia đình thay đổi như thế nào?

- Sau sự kiện tôi công khai lên án tiêu cực thi cử, nhiều học trò cũ cũng như mới động viên tôi. Được mọi người biết đến và quý mến, tôi cũng thấy vui vui, yêu đời. Nhưng cũng nhiều người oán trách, xa lánh, lên án thậm chí bôi nhọ tôi và gia đình.

Khi gặp những em trượt tốt nghiệp năm đó, tôi có an ủi chúng rằng hãy chấp nhận và tiếp tục phấn đấu hoặc tìm cho mình một hướng đi hợp lý bởi tôi biết, nhiều em trong số đó có thi vài lần cũng vẫn hỏng.

Có vị phụ huynh, tôi gặp trong đám cưới đứa cháu chẳng ngần ngại nói thẳng: "Tại thầy mà con tôi trượt tốt nghiệp. Chúng tôi là nông dân nghèo hèn. Chúng tôi cần cái bằng tốt nghiệp cho con cái xin việc, để mà đổi cái đời nông dân...".

Khi được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tới nhà thăm rồi được ông mời đi dự cuộc phát động "Hai không" ở TP HCM, tôi thấy mình hừng hực khí thế, thấy mình may mắn. Tôi thấy yêu đời lắm lắm. Sau sự kiện Bộ GD&ĐT mở cuộc vận động "Hai không", tôi thấy học trò chăm chỉ hơn, tự giác hơn và không còn tâm lý "không cần học vẫn lên lớp".

Nhưng được nửa năm, tôi thất vọng. Tôi chủ quan, cứ tưởng thời nay, cái gì mình lên án thì cái đó sẽ dẹp bỏ được ngay. Thiên hạ bảo như thế là không biết mình là ai, là không biết điểm dừng. Hình như có lúc tôi như vậy thật.

- Ông vừa nói đến sự thất vọng trong thời gian gần đây. Điều gì đã tạo nên cảm giác đó trong trái tim vốn nhiệt huyết của mình?

- Tôi thấy cách xử lý của các cơ quan chức năng quá tệ. Trước những thông tin tôi và gia đình bị trù dập, đe dọa tính mạng sau khi công khai chống tiêu cực, người ta cũng chẳng đoái hoài, xử lý qua loa khiến những người tôi tố cáo chẳng những không sợ mà còn nhiều lần thách thức tôi trước mặt các thầy cô giáo khác.

Đã cả chục lần tôi gửi đơn kiến nghị, tố cáo tới các cấp, theo đúng các bước nhưng chưa từng thấy họ trả lời. Tôi thấy nản lòng lắm bởi lửa đốt mãi mà không được tiếp dầu thì cũng lụi.

Lắm khi, tôi cũng tính tới việc bỏ nghề vì bị một số đồng nghiệp, lãnh đạo đối xử tệ bạc. Nhưng tôi lại nghĩ, mình bại trận, làm mất đi niềm hy vọng của những đồng nghiệp chân chính, của những người lương thiện là mình có tội.

- Sau sự kiện bị lăng mạ, dọa dẫm, giật máy ảnh vừa qua, ông chờ đợi điều gì ở dịp 20/11 năm nay?

- Từ hai năm nay, chẳng ngày 20/11 nào mà tôi được vui. Năm ngoái, tôi bị lãnh đạo gọi sang trường đe dọa, nhục mạ ngay trước mặt hơn chục thầy cô giáo. Và một năm sau, ngày 14/11 vừa qua, tôi lại bị hai bảo vệ vào nhà lăng mạ, đe dọa và cướp máy ảnh. Điều buồn nhất chính là một trong hai bảo vệ đó từng là bạn học của tôi thời cấp 1, cấp 2.

Có lẽ, đây là ngày 20/11 đau buồn nhất sau 15 năm làm thầy của tôi. Đến trường, đồng nghiệp cũng chẳng dám hỏi han, chia sẻ, chỉ đến khi tôi về nhà, họ mới dám gọi điện hỏi thăm tình hình. Còn học trò thì chẳng dám ngồi cạnh thầy khi ở trường. Chỉ khi về nhà, nhìn thấy những học sinh cũ đến thăm, thấy những bó hoa của học trò mang tới, tôi mới thấy vui trở lại.

- Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, nếu có được cơ hội bày tỏ với Bộ trưởng Giáo dục, ông sẽ nói gì?

- Là một nhà giáo tâm huyết với nghề, tôi nhận thấy, sau 3 năm thực hiện "Hai không", tiêu cực học đường ở nhiều nơi đã giảm nhưng cũng nó nơi biến tướng và trở về như cũ. Ngành giáo dục cần mạnh tay hơn với các vấn nạn, đừng nói không đủ sức bởi như vậy là bất lực, là phụ lòng những người tâm huyết.

Tội phạm mặc áo nhà giáo còn tồn tại một ngày là chúng ta có tội với học trò, với thầy cô một ngày. Tấm áo giáo dục đang bị vấy bẩn, bỏ mặc sẽ khiến nó lem nhem thêm, còn xắn tay vào gột rửa, rũ bẩn thì nó sẽ sạch hơn.

Bao giờ ngày nhà giáo mới trở lại thật sự ý nghĩa đây? Bao giờ, phụ huynh học sinh nhẹ nỗi lo tiền bạc trong ngày 20/11? Nước ta tự hào có nền giáo dục ưu việt. Vậy sao ngày 20/11 cứ mất dần ý nghĩa vốn có của nó? Nguyên nhân thì ai cũng biết cả đấy, nhưng sao cứ để thế, hỡi các thầy cô?


Được sửa bởi Admin ngày 30/11/2008, 12:56 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
http://ducvtt.tk
Admin
No Limit No Distance
No Limit No Distance
Admin

Nam
Age : 48 Registration date : 07/11/2008 Tổng số bài gửi : 403 Đến từ : Đà nẵng

Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng.   Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. New-ne1030/11/2008, 12:50 am

Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. Dovietkhoa_1
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa: "Tôi chủ quan, cứ tưởng thời nay, cái xấu mình lên án thì sẽ dẹp bỏ được ngay"


Thầy Đỗ Việt Khoa “khẩu chiến” với lãnh đạo trường Vân Tảo

Dân trí) - Mối quan hệ “cơm chẳng lành” giữa người đương thời Đỗ Việt Khoa và lãnh đạo trường PTTH Vân Tảo dường như càng khó gỡ sau vụ cướp máy ảnh, đe doạ của 2 bảo vệ trường. Người than bị “tẩy chay”, người đau đầu vì chưa cách gì “xử” dứt điểm.
>> Xem xét lại năng lực quản lý của Hiệu trưởng trường Vân Tảo

Ngồi trong vòng vây của gần hai chục phóng viên, nhà báo cùng một số người hâm mộ, “người đương thời” Đỗ Việt Khoa liên tay phát từng tập “đơn tố cáo”. Chiếc điện thoại di động trong tay thầy Khoa đổ chuông liên hồi. Thao tác bật mở loa ngoài, máy ghi âm đặt trước mặt, thầy Khoa mới bấm nút trả lời.

Thầy Đỗ Việt Khoa: Đã cúi đầu như một kẻ nhu nhược nhưng…

Nhận xét về sự thay đổi của trường Vân Tảo trong 2 năm, từ khi có hiệu trưởng mới về lãnh đạo, thầy Khoa cho rằng, sau vụ tố cáo gian lận tại trường thi 2006 của mình và sau đó có cuộc vận động “hai không” của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, học sinh khắp nơi, không cứ gì trường mình có chuyển biến tích cực.

Nói riêng về trường mình, “người đương thời” tố ngay: thầy hiệu trưởng đề ra một số luật riêng khiến học sinh rất sợ. Thầy Khoa khẳng định, đã góp ý trực tiếp với vị lãnh đạo trường nhiều lần nhưng bị quát mắng là “có biểu hiện chống đối hiệu trưởng, nghị quyết của tập thể”.

“Thầy hiệu trưởng ở đây có đặc điểm là độc quyền, độc đoán, không nghe ai, anh em góp ý không được” - ông Khoa khái quát.

Về việc cho rằng mình bị trù dập, thầy Khoa dẫn chứng là không hề bỏ một tiết nào, nhưng cuối năm lại được “ăn” cái án không hoàn thành nhiệm vụ. Thầy Khoa biện giải, năm 2007, có buổi đã báo người dạy thay vì bận việc nhưng sau đó vẫn bị trường lập biên bản, đưa xuống lớp “ép” học sinh ký là giáo viên bỏ dạy 2 tiết.

Thầy Khoa cũng than, trong trường chỉ có bản thân mình rơi vào cảnh… đứng lệch phe với thầy hiệu trưởng. Về tỷ lệ tín nhiệm 0%, thầy Khoa khẳng định, không phải đồng nghiệp trong trường Vân Tảo không ủng hộ mà do thầy hiệu trưởng áp đảo làm họ sợ.

“Sự áp đảo của thầy khiến không ai dám ho he phát biểu, dù nửa câu. Có người ủng hộ tôi đã bị quát mắng giữa hội đồng đến sợ xanh tái, ngã liêu xiêu giữa cuộc họp. Có người gọi điện bảo tôi là cả trường bây giờ chỉ hi vọng mỗi mình tôi thôi” - thầy giáo nổi tiếng phân trần trong khi nhẩm tính, trên 2/3 cán bộ giáo viên ủng hộ mình, chỉ vì “anh em sợ, không dám lên tiếng”. Những lời đe doạ ấy, theo lời “người đương thời”, đều đã được ghi âm.

Trước câu hỏi về việc bản thân có nghĩ nguyên nhân bị cô lập, đồng nghiệp xa cách là do cách hành xử, thường xuyên mang theo máy ảnh, ghi âm để chộp lại những lời của mọi người và tố cáo lên trên, thầy Khoa phủ nhận: “Tôi chỉ buộc phải ghi âm vì biết chắc lúc đó, hiệu trưởng sẽ “khủng bố” tôi”.

Người đương thời còn không giấu suy nghĩ, ngay thanh tra Sở GD-ĐT Hà Tây (cũ) cũng muốn bao che cho “sự loạn ngôn, lộng hành” của hiệu trưởng trường Vân Tảo. “Tôi cũng ghi âm lại câu thanh tra động viên tôi… xuống nước”.

Trước thông tin có tố cáo của học sinh, phụ huynh về việc bản thân vi phạm quy định, thầy Khoa lý giải là do học sinh lớp thầy cũng bị ép buộc viết. “5 “tay chân” của thầy hiệu trưởng, gồm 3 thư ký đe doạ cả lớp bắt phải ký đơn. Tôi ghi âm đầy đủ lời học sinh nói lại sau đó”.

Đặt vấn đề, có luồng ý kiến cho rằng sau “chiến tích” năm 2006, nhất là sau khi lên chương trình “người đương thời”, trở về thầy mắc bệnh “sao” nên có một số hành xử vượt quá phạm vi, chưa đúng chuẩn mực của một giáo viên, thầy Khoa phản ứng ngay.

“Tôi cho vụ 2006 là một nỗi xấu hổ của bản thân. Sau 2006, tôi muốn cúi đầu xuống như một kẻ nhu nhược và sự thật là tôi đã cúi đầu”.

Thầy Khoa phân trần, với bất cứ việc gì của thầy hiệu trưởng lúc đó, bản thân đã nhắm mắt làm ngơ, không can thiệp. “Nhưng không ngờ thầy hiệu trưởng là một nhân vật đặc biệt về tính cách. Tôi quan niệm tránh voi chẳng xấu mặt nào nhưng con voi này vừa to vừa… ác, không cho mình tránh, quyết tâm tiêu diệt mình”.

Kết lại, thầy Khoa cho rằng, để giải quyết quan hệ giữa mình và tập thể trường Vân Tảo, trong đó có hiệu trưởng Lê Xuân Trung, hướng duy nhất, hướng gỡ bế tắc và cũng là hướng đúng pháp luật lúc này là lãnh đạo Tp.Hà Nội tạm đình chỉ thầy hiệu trưởng để thanh tra tất cả những sai phạm của nhà trường.

Hiệu trưởng Lê Xuân Trung: Thầy Khoa chỉ có tư tưởng chống và… phá

Trước thông tin “người đương thời” bày tỏ cảm giác “bị cô lập trong trường”, thầy hiệu trưởng Lê Xuân Trung thẳng thắn cho rằng, trước hết, thầy Khoa phải xem lại hành vi cư xử, mối quan hệ cuộc sống cũng như quá trình công tác ở trường của mình.

Thầy Trung lý giải: “Đó có thể là điều thầy Khoa tự cảm nhận. Sự thật không phải thầy Khoa bị xa lánh, cũng chẳng phải kỳ thị nhưng dễ thấy, cả học trò và đồng nghiệp đều rất quan ngại khi tiếp xúc vì thầy Khoa hay dùng cách ghi âm, những câu hỏi “gợi mở” để đưa người ta vào bẫy, nhiều khi bị liên luỵ nên người ta… ngại”.

Về “án” không hoàn thành nhiệm vụ, hiệu trưởng trường Vân Tảo khẳng định, thầy Khoa nhiều lần bỏ giờ, bỏ tiết… Những vi phạm kỷ luật này, nhà trường đều có biên bản lưu giữ.

Thầy Trung nói, nếu hiệu trưởng được quyền quyết định, thầy Khoa đã không còn đứng trong đội ngũ nhà giáo. Hiệu trưởng trường Vân Tảo cho biết đã báo cáo lên Sở GD-ĐT Hà Tây (cũ), xin ý kiến xử lý về việc liên tiếp vi phạm kỷ luật của thầy Khoa nhưng do quá quan ngại việc thầy Khoa đã trở thành “người đương thời” nên Sở vẫn do dự, chần chừ.

Tuy nhiên, đề cập đến động thái từ phía nhà trường, thầy hiệu trưởng cũng thừa nhận: có “e dè” trong việc đặt vấn đề kỷ luật thầy Khoa. Trường cũng chưa một lần tổ chức họp xét kỷ luật thầy Khoa cũng như chưa có văn bản đề nghị biện pháp xử lý với cơ quan quản lý cấp trên.

Về những nội dung thầy Đỗ Việt Khoa tố cáo sai phạm của Ban giám hiệu và cá nhân mình, hiệu trưởng trường Vân Tảo, thanh tra Sở đã làm việc và thông qua dự thảo mà chính thầy Khoa cho rằng có sự bao che.

Hiệu trưởng Lê Xuân Trung giọng gay gắt: “Thầy Khoa muốn phủ nhận tất cả, không thừa nhận việc làm nào của tôi là tích cực. Trong tư tưởng của thầy Khoa, chỉ có chống và… phá, thiếu xây dựng. “Xây” là phải làm tốt chuyên môn, ủng hộ hoạt động của nhà trường. Việc chúng tôi thắt chặt nề nếp, kỷ cương được học sinh và phụ huynh thừa nhận thì thầy Khoa lại cho rằng thế là hà khắc”.

Dù mối quan hệ giữa “người đương thời” với tập thể trường có vẻ khó “hàn gắn”, hiệu trưởng Trung cũng thành thật, hiện trường cũng đang lúng túng về cách giải quyết. Về kiến nghị mà thầy giáo chống tiêu cực nêu ra với thanh tra - đình chỉ công tác Ban giám hiệu trường - thầy Trung nhận xét là “xấc” và không hiểu luật.

Ông Trung cũng kiến nghị, sau khi có kết luận chính thức của thanh tra, nếu xác định tố cáo của thầy Khoa sai sự thật, phải có biện pháp xử lý cụ thể. Những phần lỗi kết luận về mình, ông Trung khẳng định, xin chịu trách nhiệm theo quy định.


Được sửa bởi Admin ngày 30/11/2008, 12:57 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
http://ducvtt.tk
Admin
No Limit No Distance
No Limit No Distance
Admin

Nam
Age : 48 Registration date : 07/11/2008 Tổng số bài gửi : 403 Đến từ : Đà nẵng

Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. Vide
Bài gửiTiêu đề: Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng.   Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. New-ne1030/11/2008, 12:48 am

Xem xét lại năng lực quản lý của Hiệu trưởng trường Vân Tảo

Biên bản cuộc làm việc với Thanh tra Bộ và Sở tại trường THPT Vân Tảo ngày 22/11

(Dân trí) - “Người có năng lực quản lý tốt là người phải có khả năng làm nội bộ đơn vị mình ổn định, yên tâm công tác. Với trường THPT Vân Tảo, sau đây Sở sẽ đánh giá lại thực tế toàn bộ công việc” - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết.

Cũng theo Giám đốc Sở, ông Nguyễn Hữu Độ, Sở GD-ĐT Hà Nội đã cử người xuống nắm tình hình và giao nhiệm vụ cho trường: xác định rõ trách nhiệm quản lý liên quan đến cán bộ công chức viên chức, có kiểm điểm, kiểm tra theo dõi và báo cáo vụ việc. Đồng thời, xử lý trường hợp bất thường xảy ra để đảm bảo an toàn cho tính mạng thầy Khoa.

Sở yêu cầu, trước 30/11, có kết luận cuối cùng về những tiêu cực của trường có liên quan trực tiếp đến hiệu trưởng Lê Xuân Trung mà thầy Khoa đã tố cáo. Lãnh đạo và tập thể nhà trường phải cam kết có trách nhiệm bảo vệ tính mạng của thầy Khoa.

Trong tuần này, Thanh tra của Sở sẽ tiếp tục xuống làm việc với trường và cả thầy Khoa. Tinh thần xử lý của Sở là lỗi và tội đến đâu thì sẽ xử lý đến đó, công bằng khách quan và đảm bảo quyền lợi của cán bộ.

“Khi sự việc được làm sáng tỏ, Ban giám hiệu nhà trường phải có trách nhiệm giải quyết, không chỉ cá nhân hiệu trưởng mà còn tập thể, công đoàn. Còn trong thời gian chờ điều tra, phải cố gắng ổn định về công việc, cam kết đảm bảo về tính mạng, tài sản cũng như ổn định không khí nhà trường để không thiệt thòi cho học sinh” - ông Độ cho hay.

Được biết, trong cuộc làm việc đầu tiên giữa Thanh tra Bộ và Sở GD-ĐT vào hôm 22/11 vừa qua, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã có kiến nghị đình chỉ công tác của những người có liên quan để tập trung làm rõ sự việc thầy đã bị hành hung và lăng mạ tại nhà riêng vào tối 14/11.

“Thầy Khoa hay hiệu trưởng sai đều xem xét xử lí”

Dân trí) - PGĐ Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, Nguyễn Hữu Hiếu cho biết, trong tháng 11 sẽ có kết luận thanh tra về vụ việc của thầy Đỗ Việt Khoa và trường THPT Vân Tảo. Cũng theo ông Hiếu, dù thầy Khoa hay Hiệu trưởng nhà trường sai đều xem xét xử lí.
>> Thầy Đỗ Việt Khoa “khẩu chiến” với lãnh đạo trường Vân Tảo

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí, phải chăng “có vấn đề” trong công tác thanh tra của ngành Giáo dục khi thầy Khoa tố cáo trường THPT Vân Tảo từ tháng 12/2007, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng, đại diện Sở GD- ĐT đã đưa ra hàng loạt lí do.

Theo đó, ngay sau khi có đơn của thầy Khoa, Sở đã nhanh chóng vào cuộc, làm việc tích cực, sau hai tháng đã có dự thảo kết luận thanh tra, nhưng dự thảo này không được thầy Khoa chấp nhận. Tiếp đó do vướng bận thi tốt nghiệp lần 1, lần 2 và do mở rộng Hà Nội… nên vụ việc đã bị gác lại.

Đáp lại mối bận tâm nhất hiện nay là thời điểm sẽ có kết luận thanh tra, ông Nguyễn Hữu Hiếu cho biết, hiện Sở đã có dự thảo kết luận và Chánh Thanh tra Sở đang hoàn tất các kết luận cuối cùng. Tinh thần được Giám đốc Sở GD - ĐT Thành phố chỉ đạo là sẽ có kết luận cuối cùng về vụ việc trong tháng 11 này.

Khi được hỏi quan điểm về việc thầy Đỗ Việt Khoa chống tiêu cực, nhưng không được đồng nghiệp yêu mến, thậm chí cô lập, đe dọa, ông Hiếu cho rằng, chưa thể có câu trả lời khi chưa có kết luận cuối cùng của thanh tra. Tuy nhiên, ông Hiếu khẳng định, tinh thần chỉ đạo là không bao giờ trù dập, trù úm cán bộ bên dưới. Sở ghi nhận và hoan nghênh những ý kiến của thầy Khoa vì dù sao, đây cũng là cơ hội để ngành xem xét lại, điều chỉnh cho tốt hơn.

Sau khi có kết luận thanh tra, nếu tố cáo của thầy Khoa là sai hoặc thầy Khoa có những vi phạm qui chế chuyên môn, Sở sẽ xem xét xử lí. Tương tự như vậy, nếu hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo mắc khuyết điểm, vi phạm qui định chung cũng sẽ xem xét xử lí.

Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long đề nghị Sở GD - ĐT hết sức cẩn trọng trong việc kết luận vụ việc. Đúng sai của vụ việc thế nào, Sở sẽ chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND TP.


Được sửa bởi Admin ngày 30/11/2008, 12:59 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
http://ducvtt.tk
Sponsored content





Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng.   Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. New-ne10

Về Đầu Trang Go down

Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng.

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum: Bạn không có quyền trả lời bài viết
 ::  CÁC CHỦ ĐỀ KHÁC :: Người đương thời - thầy Đỗ Việt Khoa -Chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng. Point10 Tin thời sự -
Tất cả thời gian được tính theo GMT. Hôm nay: 12/5/2024, 4:49 am
Diễn đàn Ducvtt Online thể hiện tốt nhất ở độ phân giải: 1280 x1024 điểm ảnh; chế độ màu: 32 bit; Trình duyệt Internet Explorer.
Designed by nO.oNe.
Developed by nO.oNe.
Copyright © 9/2008, Graffiti Club . All rights reserved.
Powered by: phpBB2 2.0
Copyright ©2008 - 2009, forumotion.com.
Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất