Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesMusicĐăng kýĐăng NhậpGallery

 

Quần đảo Trường Sa

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giả
Bình chọn cho bài viết:
Admin
No Limit No Distance
No Limit No Distance
Admin

Nam
Age : 48 Registration date : 07/11/2008 Tổng số bài gửi : 403 Đến từ : Đà nẵng

Quần đảo Trường Sa Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Quần đảo Trường Sa   Quần đảo Trường Sa New-ne104/9/2009, 9:52 am

Quần đảo Trường Sa

Quần đảo Trường Sa 203f81588a37bf05f7e5f3c16b6959e1
TTO - Quần đảo Trường Sa là một chủ đề rất được quan tâm đối với bất cứ ai là người Việt Nam nên tất cả các bác, các chú làm việc trên tàu đều yêu cầu các ông lớn tuổi nói rõ hơn các vấn đề có liên quan mà báo chí ít khi đề cập.

Tối hôm đó trong lúc tàu Bình Minh neo đậu giữa Biển Đông để nghỉ ngơi sau hai ngày làm việc vất vả, chúng tôi quây quần trên boong lộng gió, vừa ăn mực nướng dưới trăng, vừa nghe các ông kể chuyện. Tiến sĩ Tuấn treo tấm hải đồ Biển Đông lên thành tàu và trình bày những điều bác biết về Trường Sa. Đúng là một vấn đề phức tạp, khá khô khan nhưng lại rất trọng đại, thiết thân đối với nước ta nên tôi chép lại nguyên văn để các bạn cùng biết.
Biển Đông rộng khoảng 2.940.000km2 và là một trong những biển lớn nhất trên thế giới. Phần lớn Biển Đông nằm trên một thềm nông, bị nhiều cồn, bãi đá, đảo nhỏ và các bãi ngầm chia cắt. Gần một nửa diện tích Biển Đông nằm trên đồng bằng biển thẳm, trải rộng ra tới độ sâu 5.000 mét nước ở máng Palawan, nằm ở phía Tây bờ biển Philippines.
Tùy theo cách phát biểu về hình thái đáy biển sẽ dẫn đến hai nhận thức khác nhau về nguyên tắc phân chia Biển Đông.
Nếu xem đồng bằng biển thẳm ở Biển Đông là phần đại dương biển thẳm, nằm giữa các thềm lục địa của Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei thì mỗi nước có thềm lục địa riêng của mình chẳng có gì phải bàn cãi, tranh chấp. Trong trường hợp này Hoàng Sa - Trường Sa là phần kéo dài tự nhiên của thềm lục địa Việt Nam.
Còn nếu coi Biển Đông là một phần của lục địa châu Á, nằm bên lề của Thái Bình Dương to rộng ở phía cực Đông thì các nước trong vùng có cùng chung một thềm lục địa và việc phân chia lại phải dựa trên các nguyên tắc pháp lý khác.
Quần đảo Trường Sa nằm ở Đông Nam Biển Đông cách lục địa Trung Quốc hơn 600 hải lý, tức là khoảng 1.000km và cách Việt Nam 200 hải lý (320km). Trên nhiều bản đồ quốc tế, vùng này còn mang các tên nói lên những mối hiểm nguy khi tàu thuyền đi qua như “Khu vực nguy hiểm”, “Cụm đảo nguy hiểm” vì có rất nhiều dãy đá ngầm đâm thẳng từ miền đồng bằng biển thẳm lên rồi đột ngột tụt xuống tới độ sâu vài nghìn mét nước.
Cho đến nay chưa ai biết đích xác quần đảo Trường Sa có bao nhiêu đảo, bao nhiêu bãi ngầm, bãi cạn. Năm 1992, Cục Tình báo Trung ương Mỹ xác định có 191 địa điểm có tên riêng trong quần đảo Trường Sa nhưng không nói chúng có hoàn toàn nổi cao hơn mặt nước hay không. Một công trình khoa học khác công bố năm 1979 thì mô tả nhóm đảo Trường Sa “là một chuỗi trải rộng gồm 200 đá san hô, rạn san hô, cồn cát và bãi ngầm”.
Một số nhà địa chất cho rằng Trường Sa và Hoàng Sa trong thời xa xưa là một tiểu lục địa nối liền với phần đất của nước ta ngày nay. Trong quá trình vận động của vỏ quả đất, tiểu lục địa này bị phá vỡ, những gì còn lại chính là những đảo nhỏ của hai quần đảo này. Một số khác lại cho rằng các đảo nhỏ là phần đỉnh của các núi lửa cổ nằm ở phần cực Đông của thềm lục địa Đông Dương. Những đỉnh này khi bị nước biển dâng cao, nhận chìm xuống tới độ sâu vài ba chục mét nước, trở thành những địa điểm thích hợp cho san hô phát triển.
San hô cứ lớp này chết đi lớp khác lại sinh ra, nâng cao lên, dần dần tạo thành các đảo san hô như ta thấy ngày nay. Để bảo vệ cho lập luận này có thể lấy đảo Thuyền Chài làm ví dụ. Đảo Thuyền Chài nằm ở phần phía Nam quần đảo Trường Sa, hình giống như một chiếc thuyền đang rẽ sóng đi về phía Đông Bắc, trùng với hướng gió mùa. Thuyền Chài là một đảo chìm, mặt đảo là một bãi san hô chỉ nổi trên mặt biển khi nước ròng.
Lúc này đảo có dạng một đảo san hô vòng, khép kín hai hồ nước bên trong, dài tới 34km, rộng 5- 6km. Khi nước thủy triều lên thì toàn bộ đảo bị chìm trong nước biển, chỉ có những ngôi nhà cao của bộ đội đồn trú ở đây là còn nổi trên mặt nước, giống như cảnh ta thường thấy ở những vùng đang bị ngập lụt.
Một đặc điểm của Trường Sa là hình thù các đảo thay đổi theo mùa. Đảo Trường Sa Lớn có một bãi cát trắng rộng hàng nghìn mét vuông, vào tháng Tư bãi này nằm ở phía Tây Nam, sang tháng Mười thì dịch chuyển sang phía Đông Nam đảo và quá trình này được lặp lại trong năm tiếp theo. Đảo Sơn Ca có hai doi cát lớn, rộng khoảng 300m2 bồi lở thất thường, khi thì ở phía Đông, khi thì ở phía Tây.
Đảo Sinh Tồn có hai doi cát phía Đông và phía Tây, di chuyển thường xuyên theo mùa. Tất cả sự thay đổi này đều có nguyên nhân từ gió. Gió to, cát không có gì che chắn, cuốn bay mù mịt, làm ta có cảm giác gió được ông trời giao xúc cát từ nơi này đổ sang nơi khác để làm cho quang cảnh luôn đổi thay kỳ ảo. Thêm vào đó thủy triều và các dòng nước ngầm cũng góp phần vào công trình vĩ đại này.
Từ thế kỷ mười chín trở về trước quần đảo Trường Sa do các vua, chúa nhà Nguyễn quản lý. Các đội thủy quân của triều đình hàng năm đi kiểm tra các đảo, thu nhặt các sản vật, cứu tàu thuyền trong nước và nước ngoài bị đắm. Một sách xưa ghi lại rằng vào tháng Mười năm 1714, cách đây gần 300 năm, ba thuyền buôn từ các nước xa lạ dong buồm đi qua Biển Đông thì gặp bão lớn.
Thuyền bị gió đánh tơi tả, lại va vào đá ngầm chìm nghỉm. Tất cả người trên thuyền bám vào các mảnh gỗ còn sót, ngoi ngóp giữa lúc biển đang lên cơn thịnh nộ. May mắn làm sao, lúc đó họ gặp đội thủy quân của chúa Nguyễn đang đi tuần tra vớt lên đưa vào đất liền. Chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát ra lệnh cấp cho họ cơm nước nhưng họ không biết dùng đũa nên phải dùng tay bốc.
Người họ vừa to vừa cao, tay chân dài nên áo dài, quần dài của chúa ban cho cũng không mặc được. Còn guốc mộc thì chỉ để làm đồ chơi, chân đi đất bị đau, nhăn nhó thật là khổ sở. Mắt xanh, mũi lõ, râu ria xồm xoàm, bọn trẻ con, phụ nữ trông thấy sợ hết hồn luôn. Chúa cho mời một linh mục đến tiếp xúc mới biết họ là người Hà Lan, một quốc gia xa nước ta hàng vạn dặm, thuyền đi mất nửa năm mới tới nơi.
Họ là một dân tộc rất giỏi nghề đi biển, đã chiếm được một vùng đất của Ấn Độ làm thuộc địa, xây dựng một thương điếm trên bờ Ấn Độ Dương. Từ đó họ đi lại giữa châu Âu và châu Á buôn bán hàng hóa, chở lụa là gấm vóc, hạt tiêu, đồ sứ, đồ gốm, trầm hương… từ phương Đông về cho các vua chúa và quý tộc phương Tây, chở vũ khí, đồng hồ quả lắc, ống nhòm, la bàn, bình lọ thủy tinh… sang bán cho các nước mà họ gọi là Viễn Đông.
Về Đầu Trang Go down
http://ducvtt.tk
Admin
No Limit No Distance
No Limit No Distance
Admin

Nam
Age : 48 Registration date : 07/11/2008 Tổng số bài gửi : 403 Đến từ : Đà nẵng

Quần đảo Trường Sa Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Quần đảo Trường Sa   Quần đảo Trường Sa New-ne104/9/2009, 9:49 am

Ở miền Nam, thuyền của họ thường ghé Hội An và ở miền Bắc họ thường đến Vân Đồn, Phố Hiến. Những người bị nạn tiếp tục được chúa Nguyễn chu cấp các điều kiện sống, chờ tàu thuyền các nước châu Âu đi ngang qua hải phận Việt Nam thì gửi họ về quê hương.

Sau khi chiếm được nước ta vào cuối thế kỷ 19, Pháp tiếp tục quản lý các đảo Trường Sa - Hoàng Sa và không có nước nào trong khu vực tranh chấp. Những yêu sách bắt đầu xuất hiện từ sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, đặc biệt từ cuối năm 1960, lần lượt là Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei.

Yêu sách của Trung Quốc đặc biệt mang tính chất nối tiếp các tham vọng của các vua chúa phong kiến cũ, muốn chiếm toàn bộ Biển Đông, trừ một dải rất hẹp sát bờ, bắt buộc phải để lại cho các nước khác, vì có muốn cũng không thể nào chiếm giữ được. Lý lẽ của Trung quốc là Biển Đông thuộc Trung Quốc từ thời nhà Hán, cách đây gần 2.000 năm. Những đồ vật cổ và xương người có nguồn gốc Trung Quốc tìm thấy ở đây được viện dẫn làm căn cứ. Họ lờ đi những tư liệu sách vở viết trong các triều đại khác nhau, nhất là của triều đại nhà Thanh nói rõ rằng biên giới cực Nam của Trung Quốc là bờ biển đảo Hải Nam.

Bình luận về việc này, luật sư người Mỹ Brice M. Claget đã viết rằng “các yêu sách của Trung Quốc hoàn toàn bất hợp lý, đối lập sâu sắc với những nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế và sẽ bị bác bỏ bởi bất kỳ một tòa án nào khi áp dụng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển hay tập quán quốc tế”.

Ông còn viết “thật là mỉa mai, yêu sách của Trung Quốc đòi chiếm hữu quần đảo Trường Sa lại hoàn toàn dựa vào sự bành trướng do đế chế Trung Nguyên tiến hành, vốn đã từng xâm lược và kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam ngày nay”.

Các báo chí quốc tế khác còn viết “nếu căn cứ vào cổ vật và xương người thì cả quả đất này đều thuộc Trung Quốc”. Từ ba thế kỷ gần đây nhất chỉ có Việt Nam là nước quản lý thực sự quần đảo này. Trước năm 1975 quần đảo Trường Sa thuộc quyền quản lý hành chính của tỉnh Phước Tuy và quân đội Sài Gòn đã đồn trú tại đây.

Sau khi miền Nam được giải phóng, bộ đội ta lại tiếp tục canh giữ vùng này, trừ đảo Ba Bình bị Đài Loan lợi dụng tình hình phức tạp ở Việt Nam sau Hiệp định Genève (1954) đã cho quân chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1956, và đến nay vẫn duy trì đội quân đồn trú của họ đông đến 1000 người trên đảo. Hiện nay Trường Sa là một huyện của tỉnh Khánh Hòa, còn Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.

Ngày 14-3-1988 các pháo hạm của Trung Quốc đã tấn công vào một đoàn tàu tiếp tế của Việt Nam, đánh đắm ba tàu và giết chết 70 chiến sĩ của ta. Sau đó họ chiếm một số bãi ngầm, tôn tạo bãi đá Chữ Thập thành một đảo nhân tạo hoàn chỉnh, có cả sân bay để làm căn cứ lâu dài.

Trận đánh tại đảo Côlin xảy ra cách đây hai mươi năm thật là bi tráng. Khi các chiến sĩ hải quân ta đang canh giữ đảo thì bất ngờ pháo hạm Trung Quốc xuất hiện, khiêu khích, rồi đổ bộ lên đảo, giật cờ Việt Nam hòng chiếm đóng đảo vì họ biết lực lượng của ta rất nhỏ, trang bị thô sơ. Chiến sĩ Trần Văn Phương bất chấp lưỡi lê Trung Quốc kề cổ, đạn bắn xả vai vẫn hiên ngang giữ cờ. Chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh anh dũng, táo bạo đá văng súng địch để bảo vệ đồng đội, bảo vệ cột mốc chủ quyền. Các chiến sĩ Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông… cũng “một tấc không đi, một ly không rời”, tử thủ để bảo vệ đảo.

Tên tuổi của những anh hùng này tất cả nhân dân ta cần phải biết và lưu truyền mãi mãi. Tàu vận tải nhỏ HQ 604 của ta đến ứng cứu bị bắn chìm, các chiến sĩ hầu hết bị hy sinh. Tàu HQ 505 bị bắn trọng thương. Chính trong giây phút nguy kịch ấy thuyền trưởng Phan Huy Lễ mưu trí lái tàu HQ 505 lao hẳn lên đảo. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng trên nóc tàu tiếp tục tung bay hiên ngang trước những làn đạn xối xả của bọn xâm lược, các chiến sĩ còn sống tuy bị thương lại tiếp tục chiến đấu kiên cường và cuối cùng đã chiến thắng.

Tàu địch hậm hực rút lui nhưng dã tâm của chúng vẫn còn nên mãi đến hiện nay vẫn ngang ngược ngăn cản tàu thuyền của ta, bắt cóc tàu đánh cá đòi tiền chuộc, y hệt hành động của bọn cướp biển từ thời cổ đại. Bây giờ mỗi lần tàu thuyền của ta đến đây đều giành một phút mặc niệm, thả hương hoa xuống biển và tên tuổi những chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ đảo được ghi rạng rỡ trong lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, bên cạnh hàng vạn anh hùng, liệt sĩ khác.

Tới năm 1992 Trung Quốc đã chiếm 6 bãi ngầm, Philippines chiếm 8, Malaysia chiếm 3, Đài Loan vẫn chiếm đảo Ba Bình, Việt Nam giữ 24, vừa đảo vừa bãi ngầm. Đến năm 2003, Trung Quốc phê chuẩn Nghị định thư về An ninh khu vực Đông Nam Á, cam kết sẽ sử dụng giải pháp hòa bình để giải quyết bất đồng, giữ nguyên hiện trạng để không làm phức tạp thêm tình hình.

Tuy nhiên họ lại đưa 2000 quân đến đóng trên 9 đảo ngầm, xây dựng sân bay, công sự, các căn cứ phòng không, các bến tàu nhân tạo đủ sức tiếp nhận tàu vận tải 4000 tấn nhằm tạo điều kiện để mở rộng khu vực chiếm đóng, từng bước thực hiện tham vọng chiếm đoạt toàn bộ Biển Đông của ta.

Trung Quốc còn dàn dựng một màn kịch lố bịch ký hợp đồng thăm dò dầu khí với một công ty Mỹ bé tí xíu, không có tên trong danh sách các công ty dầu thế giới trên một vùng rộng lớn phía Đông Nam Côn Sơn, thậm chí còn ngang ngược đòi các mỏ Thanh Long, Lan Đỏ - Lan Tây của ta.

Gần đây nhất chính phủ Trung Quốc còn tổ chức tập trận và quyết định thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Hải Nam để quản lý hành chính Hoàng SaTrường Sa, gây nên sự phẫn nộ chính đáng của cả dân tộc Việt Nam, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên.

Nhân dân ta rất yêu chuộng tự do, hòa bình, mong muốn được sống bình yên và hữu nghị với các dân tộc khác. Vì vậy Chính phủ ta luôn biết kiềm chế, tiếp tục kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, giữ cho Biển Đông mãi mãi về sau là một biển thái bình.

Với thiện chí đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã hợp tác cùng thăm dò dầu khí một số vùng Đông Bắc và Nam Trường Sa với Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia.

Nhưng cần phải khẳng định rằng nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam là những nguyên tắc thiêng liêng mà bất cứ thế hệ người Việt nào cũng kiên quyết bảo vệ. Trong cuộc chiến đấu đó không có chỗ đứng cho những kẻ khiếp nhược. Điều cần lưu ý là hiện nay một số người xấu, yêu nước dởm, lợi dụng tình hình để bôi nhọ chế độ ta, họ không hề đề xuất được một giải pháp nào, có một hành động nào giúp giữ gìn lãnh thổ mà chỉ rêu rao nhà nước ta dâng đất cho nước ngoài. Cần cảnh giác cao với những luận điệu này để không bị họ lừa dối nhằm thực hiện các mục tiêu đen tối của chúng.

Trong đêm khuya bầu trời như cao hẳn lên với ngàn sao lung linh khảm ngọc. Biết có cách nào nhanh nhất để tôi gửi đến các bạn những điều vừa lĩnh hội được cùng những tình cảm của mình trong lúc này không?

Khoảng 10 giờ sáng ngày tiếp theo, chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy Trường Sa Lớn, bây giờ đã trở thành huyện lỵ của huyện đảo Trường Sa. Cảnh trí đã khác xa những gì tôi được biết qua sách báo xuất bản trước kia mà tôi đã đọc.

Trước khi đến đây tôi hình dung Trường Sa là một vùng chỉ có nắng, gió, bão, san hô, cát sỏi và nước mặn hoặc nước lợ. Cây cối chỉ có ba loại sống lưa thưa là cây phong ba, cây bão táp và cây bàng vuông. Chỉ nghe cái tên cũng đã thấy khắc nghiệt rồi.

Cây phong ba đặc biệt nhiều ở đảo Song Tử Tây. Nhìn từ xa, lá và hoa phong ba không khác gì cây hoa sữa nên đến mùa trổ hoa lính đảo gốc Hà Nội như tìm thấy lại hương vị thủ đô giữa biển Đông.

Cây bão táp thô nhưng mềm mại, uốn cành ra phía biển, hứng lấy những lớp sóng và gió mặn liên miên mà vẫn xanh tươi.

Cây bàng vuông xù xì, lá to, bóng tỏa xum xuê. Hoa bàng vuông màu trắng, mỏng manh và chỉ nở về đêm như chỉ để tặng riêng cho những anh bộ đội gác đảo trong những đêm dài, vắng bóng trăng sao. Khi hoa bàng tàn, quả xanh xuất hiện, lớn dần theo từng ngày, hình vuông rất lạ mắt.
Về Đầu Trang Go down
http://ducvtt.tk
Admin
No Limit No Distance
No Limit No Distance
Admin

Nam
Age : 48 Registration date : 07/11/2008 Tổng số bài gửi : 403 Đến từ : Đà nẵng

Quần đảo Trường Sa Vide
Bài gửiTiêu đề: Quần đảo Trường Sa   Quần đảo Trường Sa New-ne104/9/2009, 9:46 am

Đến đảo Nam Yết ta lại gặp những bóng dừa cao vút thân nghiêng điệu đà trên mé biển. Ngoài dừa, không biết từ lúc nào, cây nhàu cũng được di thực đến đây mà ngày nay những chùm quả đã sum suê. Nhiều bạn chắc còn chưa biết đến trái nhàu là nguyên liệu điều chế ra thần dược Noni có khả năng chữa được nhiều bệnh hiểm vì chứa rất nhiều loại vitamin và khoáng chất vi lượng. Thật là những ví dụ điển hình cho sự thích nghi của sự sống đối với môi trường, một biểu trưng của tinh thần bất khuất và tình yêu đối với sự yên bình.
Trong nhiều năm liền các anh bộ đội hải quân và các nhà khoa học đã cần cù mang đất từ đất liền ra để cải tạo cát, thử nghiệm trồng phi lao, nhàu, mù u, hoa sữa, bàng thường, đa, si… và cuối cùng tìm được loài cây tra rễ chùm, chịu được gió bão. Cây tra có đặc điểm là dễ chiết, mỗi năm có thể chiết hàng nghìn cành, trồng rất nhanh. Nhờ có cây xanh che gió, các vườn rau, các giàn bầu bí, các vườn hoa xuất hiện. Rễ cây lại giữ được nước mưa nên các giếng đào trước đây may mắn lắm mới gặp nước lợ, nay được ngọt hóa. Chim chóc có chỗ trú, cảnh trí vui hẳn lên. Môi trường lại tiếp tục được cải thiện, nhiều giống cây trước đây không sống được dần dần lại thích nghi.
Chúng tôi lên bờ giữa vòng tay chào đón thân thương của hàng trăm người lính đảo và vô cùng xúc động khi đứng trước bia chủ quyền ghi tên đảo dưới ngôi sao vàng lớn rạng rỡ.
Thị trấn Trường Sa Lớn chưa đông người nhưng đã có một công viên xanh, đường đi lại lót bê tông, nhà ở quy hoạch vuông vắn, môi trường sạch đẹp. Giữa đảo có hội trường và sân bóng đảm bảo một cuộc sống tinh thần dễ chịu. Cầu cảng được xây dựng bằng bê tông kiên cố, khi triều cường có thể đón được các tàu lớn hàng nghìn tấn cập bến. Bên cạnh đó là một khu nhà khách tương đối khang trang để đón tiếp ngư dân ghé nghỉ ngơi hoặc tránh bão.
So với trước đây 5 năm, đời sống trên đảo cũng đã được cải thiện rất nhiều. Từ nơi ăn ở, vui chơi đến công sự bảo vệ đảo đều được xây dựng kiên cố, không còn cảnh tạm bợ như xưa. Các vườn rau lang, rau muống, rau cải, mồng tơi xanh mướt, các giàn bí, giàn bầu trĩu quả, hàng năm cung cấp hàng tấn rau xanh giúp người sống trên đảo thoát khỏi những cơn bệnh do thiếu vitamin gây ra. Những chú lợn béo tròn nhờ được nuôi bằng cá tươi, ụt ịt, chạy rông trên đảo. Tiếng vịt gọi nhau quang quác. Tiếng gà gáy trưa. Tiếng chó sủa đêm.
Tất cả những âm thanh ấy kết hợp với nhau làm cho ta sống trên đảo mà cứ như ở trong một làng quê. Các bể chứa nước mưa lớn, đủ dùng để ăn uống quanh năm. Buổi sáng trên bãi biển hàng trăm người tập thể dục nhịp nhàng theo tiếng nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ban ngày nếu trời yên biển lặng anh em lại dắt nhau đi bắt cá, bắt tôm cua, nhặt ốc để cải thiện. Buổi chiều các trận bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn giao tranh sôi nổi. Buổi tối trừ những lúc làm nhiệm vụ, các chiến sĩ ta lại quây quần bên chiếc tivi nghe thời sự, xem các chương trình ca nhạc, văn nghệ đặc biệt là theo dõi chương trình Chúng tôi là chiến sĩ của VTV3.
Cái khó khăn lớn nhất là thiếu vắng tình cảm gia đình và chữa trị các bệnh nguy cấp. Thư từ có khi hàng năm mới nhận được. Người thân ở quê khi đau ốm không được trực tiếp chăm sóc, trông nom. Con cái không được trực tiếp dạy dỗ.
Khi nào mạng internet phủ sóng đến đây thì khoảng cách giữa đất liền và Trường Sa mới được rút ngắn. Các cư dân trên đảo lúc đó có thể tiếp xúc với gia đình, nói chuyện, nhìn thấy nhau qua màn hình bất kỳ vào giờ nào, và những thông tin đa dạng trên toàn thế giới có thể cập nhật qua một máy tính xách tay gọn nhẹ.
Sống trên đảo khi đau ốm nặng giá như có một bệnh viện đa khoa, đầy đủ bác sĩ thì yên tâm biết bao. Các anh lính trẻ thì nói xa nói gần rằng ước gì có đại diện của một nửa nhân loại thì cuộc đời trên đảo sẽ rất hoàn hảo. Hiện nay tất cả những điều nói trên còn là mơ ước, nhưng là mơ ước trong tầm tay nếu các cơ quan hữu quan có sự quan tâm đầy đủ.
Cuộc sống trên các đảo nhỏ còn khó khăn hơn rất nhiều. An Bang là một ví dụ. Đảo này từng được gọi là “lò nung vôi thế kỷ” vì chỉ có cát trắng, san hô. Nhiệt độ thường xuyên gần 40oC. Hình dáng An Bang giống như một chiếc chìa khóa khổng lồ. Mũi chìa khóa là một doi cát. Tháng Tư đến tháng Bảy hàng năm, doi cát chuyển dịch từ bờ Tây sang bờ Nam. Đến tháng Tám thì lại nằm ở bờ Đông và tháng Mười hai lại trở về vị trí cũ.
Chung quanh đảo có dòng chảy xiết, khi sóng to, gió lớn tàu tiếp tế đến cũng khó có thể tiếp cận với đảo. Dưới cái nắng chói chang, sóng gió bất thường, bằng các phương tiện hết sức thô sơ, các chiến sĩ ta đã chuyển hàng vạn tấn sắt thép, xi măng đến đảo để xây dựng đèn biển, nhà ở, pháo đài.
Bên cạnh các chiến sĩ còn có các nhà khoa học quan trắc khí tượng, các cán bộ của trạm hải đăng. Họ sống gần như biệt lập giữa trùng dương, ngày đêm làm việc không mệt mỏi để thông báo hướng gió, cấp gió, dự báo thời tiết cho mọi hoạt động trên biển. Đêm đêm từ ngọn tháp cao 25 mét họ phát luồng ánh sáng xuyên suốt màn đêm đen kịt để các tàu thuyền cách đó 20km cũng nhận ra họ đang ở đâu, nên đi theo hướng nào cho an toàn, thuận lợi. Họ âm thầm phục vụ không những cho lợi ích của Việt Nam mà còn cho nhân loại, qua đó khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước ta.
Gian khổ nhất là những người sống, làm việc trên các đảo chìm và ở các trạm khoa học - dịch vụ, gọi là các nhà giàn DK. Gọi là đảo chìm vì hầu hết ngày đêm bị nước phủ kín, chỉ nhô lên khi thủy triều xuống, tức là vào lúc nước ròng. Trên các đảo chìm đó ta xây các công trình lâu bền, cao như ngôi nhà ba tầng để ăn ở, canh gác hải phận và nghiên cứu, phục vụ các nhu cầu sản xuất trong vùng. Thức ăn, nước uống phải dự trữ đủ cho nửa năm, đề phòng các bất trắc. Sóng có thể dâng nước lên đến tầng hai nên không gian sinh hoạt vô cùng chật chội, ẩm ướt. Trên quần áo, đồ dùng, thiết bị và cả trên da thịt lúc nào cũng cảm thấy nhớp nháp, đầy muối.
Giàn DK do những cán bộ ngành dầu khí xây dựng. Đó là một loại nhà sàn, đặt trên các chân đế làm bằng cọc sắt thép, cắm sâu xuống đáy biển. Sàn cách mặt nước khoảng mười mét nhưng lúc triều cường hoặc sóng lớn, nước biển cũng có thể tràn vào nhà dễ dàng. Cũng có lúc sóng quá mạnh, chân đế lâu ngày bị rỉ không chịu đựng nổi, giàn bị đổ sụp, người chết không tìm thấy xác. Đó là chưa kể trường hợp bị kẻ thù giấu mặt đánh lén.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giữa thời bình vẫn còn biết bao hy sinh. Những người làm việc ở Trường Sa cũng như ở biên cương, hải đảo khác quả là những chiến sĩ thép, những anh hùng của thời đại. Họ xứng đáng được thưởng các loại huân chương cao quý gấp nhiều lần những người khác. Không có lòng yêu nước thiết tha, không có lý tưởng cao đẹp luôn chói sáng tâm hồn thì không thể nào sống, làm việc và cảm thấy hạnh phúc trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy.
Những ai luôn hằn học với cuộc đời, luôn thấy xã hội đầy một màu đen tối mặc dù họ không làm được một việc nhỏ nào để đất nước trở nên hùng cường, văn minh, nếu một lần được đến đây chắc chắn sẽ được dịp nhìn lại chính xác bản thân mình, để sẽ phải tự vấn lương tâm.
Trong tương lai khi ta có đủ điều kiện đầu tư thì Trường Sa chắc chắn sẽ có các trung tâm dịch vụ biển, các cảng cá, nhà máy sản xuất nước đá, nhà máy chế biến hải sản, các nhà hàng du lịch và các ngành sản xuất khác. Và xa hơn nữa, chúng ta có thể lấn biển, xây dựng nhiều đảo nổi, bắc cầu nối các đảo, xây dựng sân bay, nhà máy điện chạy bằng sức gió và bằng năng lượng mặt trời, bằng thủy triều, bằng sóng biển, dùng điện để lọc nước mặn thành nước ngọt thì sẽ tạo được môi trường sống tốt hơn, cư dân sẽ đông đúc hơn.
Một thành phố lớn sẽ ra đời trên Biển Đông với bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu chuyên ngành chẳng khác gì trên đất liền. Các cuộc thi hoa hậu, các trận đá bóng quốc tế, các buổi biểu diễn văn nghệ giao lưu giữa các dân tộc và những khu du lịch hiện đại với những khách sạn tiện nghi mọc từ các bãi ngầm sẽ là các kỳ quan mới của đất nước. Những ý nghĩ ấy chứng tỏ các ông, các bác cùng đi với tôi trên con tàu Bình Minh thật là những con người yêu đời và vô cùng lãng mạn.
Hôm sau chúng tôi rời Trường Sa với bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Chúng tôi hát vang bài ca mới học gửi anh chiến sĩ Trường Sa: “Chúng ta hát bài ca/ một bài ca hay nhất/ gửi Trường Sa thân yêu/ cả niềm tin quê ta/ Chúng ta hát bài ca/ một bài ca hay nhất/ gửi các anh chiến sĩ/ đang canh giữ đảo xa/ Vì quê hương các anh đã xa nhà/ Ở đảo xa chắc tay súng ngày đêm/ để quê nhà yên ấm/ thơm hương lúa đồng xanh/ để khăn quàng tươi thắm/ vui tiếng hát trẻ thơ”. Tiếng hát vang xa, hòa trong gió và được gió mang đi khắp đảo.


TRẦN NGỌC TOẢN
Về Đầu Trang Go down
http://ducvtt.tk
Sponsored content





Quần đảo Trường Sa Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Quần đảo Trường Sa   Quần đảo Trường Sa New-ne10

Về Đầu Trang Go down

Quần đảo Trường Sa

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum: Bạn không có quyền trả lời bài viết
 ::  CÁC CHỦ ĐỀ KHÁC :: Quần đảo Trường Sa Point10 Hoàng Sa - Trường Sa đến Biển Đông -
Tất cả thời gian được tính theo GMT. Hôm nay: 27/4/2024, 4:31 pm
Diễn đàn Ducvtt Online thể hiện tốt nhất ở độ phân giải: 1280 x1024 điểm ảnh; chế độ màu: 32 bit; Trình duyệt Internet Explorer.
Designed by nO.oNe.
Developed by nO.oNe.
Copyright © 9/2008, Graffiti Club . All rights reserved.
Powered by: phpBB2 2.0
Copyright ©2008 - 2009, forumotion.com.
Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất